Dự án Nhà máy sản xuất ván tre ép StaBOO – Thanh Hóa

Ngày 13/05/2025, dự án Nhà máy sản xuất ván tre ép OSB đã chính thức được khởi công tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện Chủ đầu tư và các đơn vị tham gia thực hiện dự án. Đại diện đơn vị Tư vấn Giám sát, Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TEXO Tư vấn và Đầu tư đã đại diện tham dự sự kiện quan trọng này.

Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang và nhà đầu tư thực hiện nghi thức khởi công.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại buổi lễ.

Dự án do Công ty Cổ phần Vật liệu Xanh Staboo làm chủ đầu tư, hướng tới mục tiêu sản xuất vật liệu xanh từ nguồn nguyên liệu tre tự nhiên, thân thiện với môi trường với tổng mức đầu tư lên đến gần 3200 tỷ đồng. Nhà máy ván tre ép OSB staBOO Thanh Hóa là dự án có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với sự phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.

Thông tin chung về dự án:

  • Tên dự án: Nhà máy sản xuất ván tre ép OSB
  • Địa điểm: Xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa
  • Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Vật liệu Xanh Staboo
  • Đơn vị Tư vấn giám sát: Công ty Cổ phần TEXO Tư vấn và Đầu tư
  • Quy mô: Hơn 26 ha
  • Quy mô: Gồm các hạng mục nhà xưởng sản xuất, kho nguyên vật liệu, kho thành phẩm, nhà hành chính và hạ tầng kỹ thuật phụ trợ
  • Tổng mức đầu tư: Gần 3200 tỷ đồng
  • Thời gian triển khai: Năm 2025
Ảnh minh họa

Mỗi ngày, nhà máy tiêu thụ khoảng 1.000 tấn nguyên liệu, vùng nguyên liệu được quy hoạch với tổng diện tích khoảng 200.000ha tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La. Đây là Nhà máy sản xuất ván tre ép có quy mô, công suất lớn nhất thế giới, sử dụng máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại của Châu Âu.

Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động vào tháng 5/2026 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương, tạo việc làm cho khoảng 100 lao động thường xuyên tại nhà máy và hàng nghìn lao động gián tiếp, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, với các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, sẽ góp phần quảng bá thương hiệu tre luồng xứ Thanh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo Minh Hiếu – baothanhoa