Điều chưa được biết về pho tượng Phật ngọc lớn nhất Việt Nam
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (TVTL Tây Thiên) vừa khánh thành Bảo tháp Phật ngọc, bên trong đặt một pho tượng được chế tác từ đá saphire nguyên khối có trọng lượng lên đến 31 tấn, cao 3,45m. Tính tới thời điểm hiện tại, pho tượng này đang giữ kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Điều đáng nói, để có được thành công này những nghệ nhân thuộc Hội Đá quý Việt Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách ẩn chứa rất nhiều sự kỳ bí ít được biết tới.
Những kỷ niệm tìm đá “để đời”
Xuất phát từ trăn trở: “Tại sao Việt Nam mình có nhiều quặng mỏ đá quý, lại không tìm cho ra một khối đá quý to đẹp, hấp thụ linh khí non sông tích tụ hàng trăm triệu năm dưới lòng đất để người Việt chế tác thổi hồn vào đá?” khi lần đầu tiên những thành viên trong Hội Đá cảnh, gỗ lũa, tranh tượng nghệ thuật, Hà Nội (nay là Hội Đá quý Hà Nội) được chiêm bái một bức tượng Phật ngọc do chùa Phật Tích cung thỉnh từ miền Nam ra miền Bắc vào giữa năm 2009.
Thời điểm đó, pho tượng này nặng tới 4,5 tấn và cao hơn 4m được đánh giá là tuyệt tác có một không hai. Pho tượng được chế tác điêu khắc từ một khối ngọc vĩ đại có một không hai được phát hiện tại Canada vào năm 2000; trở thành báu vật của Phật giáo tín đồ trên toàn thế giới. Sau hơn 8 năm miệt mài làm việc, hơn 30 nghệ nhân, các nhà nghiên cứu Phật học từ Thái Lan, Nepal, Myanmar, Ấn Độ… mới tác tạo thành công.
Nung nấu tâm nguyện đó, các hội viên trong hội đã quyết lòng tiến cúng một pho tượng Phật bằng đá ngọc Việt Nam phải được nghệ nhân Việt Nam chế tác. Cũng từ đó, hội nghị bàn thảo được tổ chức rất nhiều lần để trả lời những câu hỏi, tượng sẽ cúng ở đâu? Chùa nào? Có 4 địa điểm được đưa ra lựa chọn làm nơi đặt tượng gồm Chùa Quán Sứ, chùa Yên Tử, chùa Bái Đính và TVTL Tây Thiên. Sau khi thống nhất ý kiến, Tây Thiên được xem là nơi hội tụ mọi yếu tố thiên thời – địa lợi, được đánh giá là cái nôi của Phật giáo Việt Nam và đi đến quyết định chọn Tây Thiên làm nơi bức tượng này.
Được sự tùy thuận của Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt, chủ trì TVTL Tây Thiên, các hội viên Hội Đá quý Việt Nam tỏa đi khắp nơi để tìm đá, đặc biệt tập trung tìm kiếm tại Yên Bái, Tây Nguyên, Nghệ An vì ở đó có nhiều mỏ đá quý có giá trị. Chỉ một thông tin dù nhỏ nhất có đá ngọc quý lớn, đẹp đều không bỏ sót. Nơi đầu tiên phát hiện là khối đá cẩm thạch ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, tuy nhiên qua sàng lọc, các chuyên gia đánh giá khối đá này chỉ là đá bán quý, chỉ đẹp nhưng chưa được gọi là quý. Sau đó, 3 cơ sở đá quý có tiếng ở Hà Nội gần chùa Khánh Vân cũng lần lượt được để ý đến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, ba địa điểm ở Tây Nguyên cũng như vậy. Mãi cho đến khi qua thông tin ở xã Thành Đô, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An có mấy khối đá saphire nằm rải rác trên lưng chừng núi và cả dưới lòng suối, không ngại khó khăn cả đoàn lại lặn lội vào tận nơi.
Anh Phan Ngọc Châu, Phó chủ tịch Hội Đá quý Hà Nội nhớ lại, thời điểm đi tìm đá gặp vô vàn khó khăn. Đường vào mỏ đá là đường đồi núi, cách xa huyện lỵ Quỳ Hợp và rất khó đi.
Thứ hai, trên đường đi đoàn đã gặp phải sự cản trở của một số chủ khai thác đá quý lậu ở đây. Lúc mới vào đến bìa rừng thì bị một chiếc xe công nông của họ chắn ngang đường không đi được. Anh em trong đoàn đã phải nhảy xuống đẩy sang một bên mới vào được. Đi được một đoạn nữa thì gặp một cô gái nằm ngang giữa đường, không cho xe qua. Đoàn phải thương lượng mãi họ mới chịu để cho đi. Tuy nhiên, mừng nhất là lãnh đạo của UBND huyện Quỳ Châu đã rất nhiệt tình giúp đỡ để đoàn có được giấy phép khai thác đá.
Sau khi xin được giấy phép khai thác đá và ký hợp đồng với chủ khai thác, định hôm sau cho tiến hành thì bỗng nhiên trời mưa như trút nước. Mưa lớn ròng rã trong hơn một tuần lễ liền. Thời gian này, có báo phản ánh nạn khai thác đá lậu ở khu vực này khiến cho Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi công văn cho tỉnh Nghệ An đề nghị dừng mọi hoạt động khai thác đá quý ở đây. Cả đoàn lại phải làm đơn và tìm đến tận lãnh đạo tỉnh Nghệ An để xin được khai thác đá và vận chuyển về TVTL Tây Thiên cho kịp tiến độ. Cũng may lãnh đạo tỉnh đã thông cảm và phá lệ cấp cho đoàn một tờ giấy phép mà theo như các cán bộ ở đây là chưa bao giờ cấp cho ai.
Đá sau khi khai thác xong, phải dùng cần cẩu để đưa 6 viên đá từ lòng suối đưa lên xe đặc chủng, thật không may đá vừa nhấc lên thì bị đứt dây cáp. Loay hoay mãi cuối cùng nhờ các phương tiện máy móc của một xưởng chuyên khai thác và chế biến đá quý lớn nhất ở vùng này mới cẩu được sáu khối đá lên xe. Tuy nhiên, do xe đã quá hạn lưu hành nên trên đường vận chuyển đá ra Vĩnh Phúc xe vận chuyển đã gặp phải vô số khó khăn khi đi qua 18 trạm kiểm soát giao thông. Xe chạy suốt đêm cho đến chiều hôm sau mới về tới sân của TVTL Tây Thiên. Vậy là để vận chuyển được sáu khối đá về tận Tây Thiên an toàn anh em đã phải mất tới 26 tiếng trắng đêm cùng đá quý.
Tuy nhiên, chỉ tính việc vận chuyển 80 tấn đá quý đã được đem về TVTL (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), phục vụ công việc chế tác thì lại gặp thêm một chuyện dở khóc, dở cười nữa. Đó là việc chế tác đá tại Thiền viện chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường thanh tịnh nơi đây. Trải qua khá nhiều “kiếp nạn” trong hành trình tạc phật tượng, 80 tấn đá quý hiếm lại gấp rút chuyển gấp về Hà Nội.
Đá cứng phải mềm dưới tâm người
Khối đá này sau khi được kiểm nghiệm các chuyên gia đánh giá chỉ đứng sau kim cương, thuộc loại coridon có 80-90% là saphia (độ cứng của đá là 9 chỉ chịu thua kim cương ở cấp độ 10). Chính vì vậy, khối đá này có cứng hơn thép nên các lưỡi cắt, mũi khoan thường không thể dùng được mà phải là lưỡi hợp kim đặc biệt. Do vậy, đá cũng “thử sức” rất nhiều nghệ nhân, có không ít người phải lắc đầu, lè lưỡi mà chùn tay khiến cho việc chế tác tượng Phật ngọc tiến triển vô cùng chậm chạp.
Đá quý, tượng thiêng thực sự rất “kén” nghệ nhân cho đến khi 2 nhóm nghệ nhân ở Hà Nội bắt tay chế tác.
Ròng rã 6 tháng trời chế tác mới hình thành được pho tượng dưới dạng… phù điêu, bởi theo lý giải và cách tính toán một cách khoa học của các nghệ nhân, do đây là khối đá quý, nếu tạc theo hình pho tượng bình thường sẽ cắt bỏ hao tổn mất rất nhiều đá nên phải làm theo cách tạc dạng phù điêu, để làm sao tượng có khối lượng 3/5 khối lượng ban đầu thì đạt yêu cầu. Bức phù điêu này mang cung tiến TVTL Tây Thiên nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long thật ra chưa được các chuyên gia, nghệ nhân và Phật tử thật sự đắc ý. Vậy nên bức phù điêu lại thêm một lần trở về Hà Nội để một “kén” thêm người thổi hồn vào đá…
Quá trình hoàn thiện pho tượng quí có rất nhiều điều đáng nói. Sau khi tiếp xúc với những người đã “gửi gắm linh hồn Việt vào đá”, chúng tôi càng thấu hiểu được ý nghĩa lớn lao giá trị của bức tượng này.
Tìm người chinh phục
Trong số báo trước, chúng tôi đã nhắc đến hành trình trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả tìm kiếm của các thành viên Hội Đá quý Hà Nội, nhưng khi tìm được đá rồi, câu hỏi đặt ra là ai có đủ tài đủ tâm đủ lực để thực hiện bức tượng này đây? Xưa nay người tạc tượng đá không thiếu nhưng để tạc được bức tượng có độ lớn và độ cứng như đá saphia thì dường như chưa có. Hội Đá quý Hà Nội khi đó kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (TVTL Tây Thiên) đã đi đến nhiều xưởng đá quý để gặp gỡ nhiều nghệ nhân đất Hà Thành. Rất nhiều cuộc họp được tiến hành để tìm lời giải cho bài toán ai có thể tạc được bức tượng này? Các nghệ nhân tại Hà Nội đều đắn đo, với hình hài một bức tượng to đến như vậy họ có thể làm được nhưng với điều kiện đá… đừng quá cứng như thế. Đã từng có một nghệ nhân Hà Nội đứng ra nhận trọng trách và tuyển thợ nhưng dù cố gắng suốt 3 tháng liền đành chịu thất vọng. Những bàn tay tài hoa đến mấy cũng thua đá cứng.
Đến bây giờ, khi ngồi chuyện trò với chúng tôi tại buổi lễ khánh thành tượng Phật ngọc ngày 8/4, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội Đá quý Hà Nội vẫn hay đùa rằng, hành trình đưa đá về chẳng khác nào Đường Tăng cùng các học trò khi xưa đi Tây Trúc thỉnh kinh, hết nạn này đến nạn khác, rồi cuối cùng mới thành công quả. Bởi tìm đá đã vất vả, nhưng đưa được đá về lại càng khó nhọc hơn và khó nhọc còn hơn thế nữa trong công đoạn tạc tượng.
Nhưng chưa ai trong hội dám thở phào, khó khăn mới chỉ bắt đầu. Vì những ai hiểu đá, yêu đá đều hiểu đá corindon là loại đá cứng độ 9, chỉ dùng kim cương mới cắt được. Do đó, trong vòng 2 tháng đầu, cả 3 tốp thợ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được mời đều “bó tay” chịu thua. “Thời điểm ấy, chúng tôi bí lắm đành phải thốt lên với anh em rằng, thế là tấm lòng đối với cội nguồn chúng ta đã phải chịu thêm một thử thách nữa nhưng nhất định chúng ta sẽ không chịu bó tay”, ông Mỹ nhớ lại.
Hơn nữa, dụng cụ chuyên dùng lại không có cho nên các nghệ nhân đã không thể làm gì được. Ông Mỹ chính là người khởi xướng ra công việc này và luôn động viên anh em rằng, bất kỳ khó khăn nào cũng không được lùi bước. “Đã nhiều đêm tôi thức trắng không tài nào ngủ nổi, với tấm lòng quyết tâm, được sự giúp đỡ của Thiền viện và tập thể anh chị em trong hội thì tất cả khó khăn đó chúng tôi đã vẫn nuôi niềm hy vọng”.
Theo giới làm đá thủ công mỹ nghệ, muốn chế tác thành công phải tìm bằng được một vài thợ giỏi thuộc hàng “thượng thừa” trong nghề, chí ít cũng phải có sự sáng ý và kiên nhẫn và hơn nữa là sự tâm huyết gắn bó với pho tượng. Vậy nghệ nhân phải tìm nơi đâu?
Cơ duyên và tâm hồn Việt
Đúng vào lúc tưởng như bế tắc, có hai hội viên dũng cảm đứng ra nhận trọng trách ấy, đó là anh Hoàng Nam Hải và Vương Ngọc Tiến trú tại đường Giải Phóng, Hà Nội. Có người đã không ngại cười khẩy mà đồ rằng: “Hai gã này quả là ngông cuồng”.
Bởi theo họ, cái kiểu vần hàng chục tấn đá về Hà Nội, lại là loại đá cứng như thế họa có núi tiền đổ vào. Và có chăng, để cái khối đá cứng ngắc chỉ sau kim cương thành hình thành dạng thì cũng phải bỏ ra thêm một số tiền kha khá nữa. Bất chấp những lời bàn ra tán vào của thiên hạ, 2 anh vẫn bắt tay vào làm cho thỏa khát khao chinh phục đá vì cho rằng đó là mối nhân duyên chứ không vì mục đích nào khác.
Lập tức Ban Chế tác tượng Phật ngọc vượt hơn 100km trở về Hà Nội đúng vào lúc chỉ còn cách Đại lễ 1.000 năm Thăng Long có 200 ngày. Nguyên tắc nhất quán khi tham gia bắt tay vào việc chế tác pho tượng có điều khá thú vị là không được thuê thợ nước ngoài, phải là thợ Việt Nam, tâm hồn Việt Nam mới có thể tạo nên tượng Phật đúng là của người Việt.
Để gửi gắm tính nghệ thuật vào tượng Phật quý, Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt, chủ trì TVTL Tây Thiên cho rằng: “Một tượng Phật bằng đá quý Việt Nam do nghệ nhân Việt Nam chế tác, nếu đạt được về mặt mỹ thuật, về nghệ thuật thì tự thân nó là “bảo vật của quốc gia”. Ngày nay các nhà khoa học xác định đá phát năng lượng, chính vì vậy đá quý được con người dùng làm trang sức để ngăn ngừa và trị bệnh, đá còn để dùng trong phong thủy diệt trừ tà ma. Vì vậy, bức tượng được chế tác từ ngọc quý hiếm ngoài ý nghĩa tâm linh, nó còn đem đến sức khỏe cho những người có duyên đến lễ Phật và là bảo vật của TVTL Tây Thiên. Chúng ta có đủ duyên lành khi tìm kiếm được khối đá mang linh khí đất trời, nghệ thuật và tâm hồn của người Việt. Một khối đá có giá trị vô giá, gần gũi với thiên nhiên, bình dị như con người. Vì thế, mỗi chi tiết mỹ thuật chạm khắc phải thể hiện được sức diệu dụng và thần sắc (phần lộ ra bên ngoài) đúng với mô tả về 32 tướng tuyệt hảo của Đức Phật trong kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa”.
Phương pháp làm việc của các nghệ nhân là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, việc tạo tượng mẫu bằng đất sét được coi là phần quan trọng bậc nhất, bởi nó sẽ quyết định hình hài của bức tượng sau này. Đó là phải làm sao toát lên được thần thái, nghệ nhân Trần Văn Thạch, quê Bắc Giang là thợ cả trực tiếp tạo tượng mẫu cho biết, phải tập trung cao độ. Chỉ một tác động ngoại cảnh dù nhỏ nhất cũng ảnh hưởng đến chất lượng tạo hình. Có thể nói rằng, để có vinh dự tạc được pho tượng này là do cái tâm và cái duyên.
Cuối cùng những nghệ nhân đã mạnh dạn đề xuất thay đổi tư thế ngồi của Phật. Theo đó, Đức Phật thay vì cầm nhành hoa sẽ ôm ngọc Minh Châu, khuôn mặt thư thái và khó nhất là việc tạo hình đôi mắt phải toát lên thần thái của Đức Phật từ bi hỉ xả, nếu có ánh sáng mặt trời sẽ làm lóa mắt chính vì vậy riêng việc tạo hình đôi mắt phải thực hiện vào lúc chiều tà mới đạt được độ chính xác.
Trong 4 tháng ròng, xưởng chế tác của anh Hải và anh Tiến đã hủy hết toàn bộ đơn hàng, gom những thợ giỏi nhất từ khắp nơi về để cùng chung tay chế tác: một tốp tạc thô và một nhóm tạc kỹ. Cứ tạc xong một góc tượng, Tiến phải thuê xe cẩu tới vần xoay khối đá nặng gần 30 chục tấn để làm sang góc khác. Mỗi lần chiếc cẩu nâng lên, hạ xuống là một lần anh đứng ngồi không yên. Chỉ một sơ sẩy nhỏ có thể khiến tượng nứt vỡ như chơi.
Cực nhất là thời gian tạc kỹ. Những ngày hè tháng 6, tháng 7, Hà Nội liên tiếp có những đợt nắng nóng kỷ lục, thế mà Tiến cùng các “đồng đội” vẫn phải phơi lưng giữa trời, tay dùi, tay đục “chiến đấu” với tảng đá “lì”. Nói đến đó, Tiến cười ha hả, hồn nhiên chỉ vào làn da đen nhẻm tự hào khoe: “Cái này là thành quả của mấy tháng hè làm tượng đây”. Bốn tháng triền miên chinh phục đá, với 3 lần thay máy cắt, bức tượng Phật ngọc nặng trên 22 tấn đã được hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của những hội viên Hội Đá cảnh, Gỗ lũa, Tranh tượng nghệ thuật Hà Nội. Khi này, Tiến mới dám thở phào nhẹ nhõm. Đúng là ý chí và lòng quyết tâm của người thợ đã đối chọi với độ cứng của đá, một công việc chưa có tiền lệ.
Ở một công đoạn khó khăn nữa đó là việc chọn mua dụng cụ, anh Vương Ngọc Tiến kể rằng đã phải mua 20 loại lưỡi cắt khác nhau để chế tác, còn phần máy thì hỏng liên tục cho dù anh chọn mua những loại tốt nhất. Có nhiều hôm anh em túc trực đến tối khuya chỉ để tính nhẩm từng đoạn cắt tỉ mỉ tính bằng phân xem chỗ nào còn chưa ưng ý để kịp thời khắc phục. Có một chi tiết cũng khá thú vị, đó là ngay từ đầu những người thợ này đã quán triệt việc tạc tượng Phật ngọc để kính dâng chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long nên tất cả anh em phải giữ cho lòng trong sáng, chay tịnh. Nghĩa là phải ăn nghỉ tại chỗ, phải hy sinh việc thăm hỏi vợ con, gia đình trong vòng 4 tháng.
Càng sát ngày Đại lễ, nhóm nghệ nhân gần như tập trung hết công suất, có những lúc phải thức trắng đêm cho kịp tiến độ, lo lắng là thế vất vả là vậy nhưng trong lòng ai cũng vui vẻ vì họ nhận thức được ý nghĩa xã hội, ý nghĩa tâm linh của việc mình đang làm đầy tự hào. Theo đánh giá của chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Cường, bức tượng bằng chất liệu đá quý saphia với khối lượng khổng lồ trên 22 tấn nên được xem là sự vượng khí, bức tượng này làm từ đá quý ở Việt Nam nên mang một ý nghĩa văn hóa và tâm linh rất lớn, từ khía cạnh văn hóa truyền thống sẽ mang đến cho con người một tâm hồn an lạc.
Theo cách nhìn nhận của người nhà Phật, những bức tượng Phật của đất nước ta thì phải được tạc bằng nghệ nhân và tâm hồn của chính người Việt. Gương mặt Phật chính là gương mặt của dân tộc Việt Nam. Còn nếu chúng ta có đá quý từ nước ngoài mang về tạc thì giá trị tinh thần sẽ suy giảm đi rất nhiều, thiếu đi sức hút và sự truyền cảm cho nhân dân.
Đúng là hồn đá Việt Nam và tâm hồn con người Việt Nam tài hoa đã tạo nên bức tượng Phật mang đậm bản sắc tâm hồn người Việt. Xin nhắc lại cách đây hơn 3 năm nếu bức tượng ngọc của người Australia nặng 4,5 tấn đã được coi là lớn nhất thế giới thì pho tượng Phật ngọc của chúng ta đã lên tới trên 22 tấn. Nhưng điều quan trọng không phải là chuyện hơn thua về khối lượng mà lúc này chúng ta đang hưởng trọn niềm vui, niềm xúc động vì tượng đã khẳng định một ý nghĩa hết sức to lớn của công sức người Việt đã làm nên.
(Theo vnexpress.net)