Cái giá của rêu phong
Những di tích, đền chùa, ngôi làng cổ kính với chiếc cổng, con ngõ rêu phong là giá trị văn hóa cần được bảo tồn. Nhưng từ nhiều năm qua, các làng cổ, di tích cổ ở trên khắp cả nước đã thống thiết kêu cứu bởi sự bức hại của thời gian và chính bàn tay con người.
Khi cổ kính kêu cứu
Đó là khi những ngôi biệt thự, những kiến trúc cổ bị phá hủy, những mái ngói xô nghiêng, rêu phong bị chà đạp bởi chính sự “ra tay” không thương tiếc của con người. Từ Nam ra Bắc, đâu đâu cũng có những tiếng rên xiết của nhà cổ, làng cổ, di tích cổ. Sự tranh đấu giữa cổ kính và hiện đại đang ngày càng trở nên gay gắt và có lẽ, sự gay gắt đó chỉ chấm dứt khi không còn bóng dáng một sự cổ kính nào.
Rất nhiều người tâm sự thẳng thắn rằng, họ cũng muốn giữ nếp nhà cha ông để lại nhưng cái khó bó cái khôn. Bởi lẽ, đất không sinh nở được mà người thì ngày một đông thêm. Một nếp nhà cổ bị “triệt hạ” sẽ đủ chỗ cho ít nhất một biệt thự cao tầng mọc lên, đủ để chia cho nhiều hộ, đủ làm chỗ trú ngụ cho nhiều người. Chúng ta đã biết đến làng cổ Đường Lâm, làng Cự Đà, làng Cựu hay làng Hòa Mục… đều là những cái tên đã không còn xa lạ với người dân thủ đô nhưng giờ đây, mỗi khi phải chứng kiến những kiến trúc cổ bị đốn ngã, nhiều người không khỏi xót xa.
Cự Đà là ngôi làng có những ngôi nhà cổ với tuổi đời trên 100 năm mang đặc trưng kiến trúc vùng đồng bằng Bắc Bộ, ngói mũi hài, cột gỗ lim, các hoa văn trên gỗ được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, rất độc đáo thì giờ bị “cơn lốc đô thị” phá hủy. Làng Thổ Hà xứ Kinh bắc nổi tiếng là vậy cũng chỉ còn chưa đầy một chục nếp nhà cổ.
Ngày lại ngày, những nếp nhà cổ cứ bị đốn ngã dần trong dòng chảy xô bồ của mưu sinh, của đô thị hóa và sự vô tâm của một bộ phận người. May thay Đường Lâm là được bảo tồn một cách công phu nhất và trở thành làng du lịch văn hóa. Nhưng những gì tồn tại ở đây vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Bởi, quá trình bê tông hóa đường làng hay sự chen lấn của những ngôi nhà bê tông cốt thép cũng làm khập khiễng, khiến vẻ đẹp ngôi làng không còn nguyên vẹn. Dư luận rất bất bình bởi tư tưởng “mặc áo tứ thân, đeo cà vạt” của không ít người trong cách hành xử với di tích. Các làng cổ khác, di tích khác hoặc bị để cho xuống cấp tàn tạ, hoặc xóa bỏ, nếu có may mắn được trùng tu thì cũng bị đưa ra tân trang, trở nên xa lạ với người dân.
Di tích thành cổ Sơn Tây là một ví dụ xót xa; thành nhà Mạc ở Tuyên Quang là một điển hình cay đắng; Ô Quan Chưởng ở Hà Nội cũng đã bị biến dạng, trở nên xa lạ với người dân thủ đô… Hàng trăm di tích khác bị biến dạng sau các dự án trùng tu tốn tiền hao của, đứng đó trong tư thế tủi thân, bơ vơ xa lạ bởi điều tiếng thế gian.
Nhà văn Nguyên Ngọc đã từng nói trong sự đau lòng về việc trùng tu các di tích hiện nay: “Chắc chắn không thể kể hết những di tích đã bị trùng tu đến mức không còn cứu chữa được nữa… Các di sản vô giá đang ngắc ngoải dưới bàn tay trùng tu”.
Lại có nhà văn hóa chỉ ra, sự nhiệt tình của người trùng tu dốt nát, cẩu thả không chỉ làm mất vẻ đẹp vốn có của di tích mà còn góp phần giết chết di tích. Cổ kính kêu cứu là khi theo từng ngày, giá trị mà người xưa chắt chiu thì người ngày nay muốn loại bỏ. Cổ kính kêu cứu là khi con người ngày nay quá phụ bạc, nhẫn tâm.
Những người hoài niệm
Trái ngược với sự tàn phá các di tích thì cũng có không ít người bỏ công sức đi sưu tầm, gìn giữ lại những nếp nhà gỗ cổ có nguy cơ biến thành củi. Một trong những người tiêu biểu nhất là anh Nguyễn Đức Tri ở Diên Khánh (Khánh Hòa). Anh Tri sinh năm 1967, bắt đầu công việc đi mua những ngôi nhà gỗ cổ về dựng trong vườn nhà mình với một nỗi lo, rằng nếu không gìn giữ, thì chỉ trong chớp mắt sẽ không bao giờ thấy những bảo vật ấy. Từ năm 1999 đến nay, dù phải tất bật mưu sinh nhưng anh Tri đã khuân về nhà gần trăm nhà gỗ cổ.
Anh cho biết: “Nhìn những ngôi nhà cổ bị tàn phá, những chiếc cổng cổ bị đập đi xây mới mà lòng tôi xót xa. Ước gì tôi có đủ khả năng để khuân hết tất cả về để gìn giữ…”. Ở Quảng Nam có ông chủ trẻ 33 tuổi Lê Văn Vĩnh sở hữu bộ sưu tập khoảng chục ngôi nhà gỗ cổ cũng vì quá yêu nhà cổ, thích thú những mái ngói rêu phong và cả những chiếc cổng làng mốc thếch thời gian. Anh Vĩnh từng nói: Phải sưu tầm cho thỏa chí trai, nếu ai cũng tính toán chi li cho bản thân thì cuộc sống này sẽ chẳng còn gì ngoài chuyện tiền bạc.
Ông Nguyễn Minh Thoa – chủ nhân của Cố Viên Lầu ở huyện Hoa Lư – Ninh Bình cũng đã bỏ cả núi tiền của, dày công mấy chục năm để dựng lên một ngôi làng Việt cổ, hội tụ mấy chục nếp nhà tranh cổ tuyệt đẹp và rất nhiều đồ dùng trong sinh hoạt được ông sưu tầm, phục chế. Việc làm của ông xuất phát từ niềm đam mê gìn giữ, lưu truyền nét văn hóa của dân tộc, đặc biệt là những nếp nhà đồng bằng Bắc Bộ.
Du khách đến Cố Viên Lầu thực sự vui mắt, những người thích hoài cổ, yêu cái mộc mạc làng quê đặc biệt là những người cũng sợ một mai cái rêu phong, cổ kính của làng quê biến mất rất vui sướng. Họ cảm phục một người chịu chơi, dám làm như ông Thoa. Bởi dẫu nói thế nào thì đối với những người như thế, sưu tầm và lưu giữ nhà cổ không chỉ là một thú chơi mà chắc chắn, đó còn là hy sinh, là cứu cánh cho sự khốc liệt của tốc độ phá hủy thời đô thị hóa.
Mới đây, ông Nguyễn Địch Long – nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Hà Tây (cũ) đồng thời cũng là một nhà thơ đã dày công đi chụp những chiếc cổng làng, in thành ảnh để lưu giữ, để ngắm, như sợ chỉ cần chậm vài cái chớp mắt nữa là chúng sẽ vĩnh viễn mất đi. Không ít nhiếp ảnh gia cũng đã “săn” cổng làng, các hình ảnh đẹp của đình, chùa, miếu, phủ và rất nhiều di tích cổ kính khác để làm giàu nguồn tư liệu của mình, cũng là cách chứng tỏ cho đời sau biết những giá trị đó đã từng tồn tại.
Thử đặt một câu hỏi, rằng liệu những người sưu tập ấy sẽ tiếp tục công việc của mình được bao nhiêu năm, và có chắc chắn rằng thế hệ sau cũng chung một lý tưởng? Rồi, ở những ngôi làng cổ, các cụ già râu tóc bạc phơ đang gắng gượng giữ nhà, nhất quyết không chịu bán, không chịu phá đi thì liệu nghĩa cử đó có giữ được sau khi mất?
Đó là câu hỏi lớn không có lời đáp. Và, một sự thật phũ phàng nữa là công sức của những người gìn giữ, sưu tầm cũng chỉ như hạt muối bỏ bể, như chiếc lá vàng trước bão tố. Họ chỉ là một số người quá ít ỏi so với con số những người muốn phá bỏ, phủ định. Một sự chênh lệch quá lớn về lực lượng, và như thế thật tủi thân cho cái cổ kính.
Cái giá của rêu phong
Sẽ như thế nào nếu con người bị đóng khung bởi xung quanh là bê tông, cốt thép? Sẽ như thế nào khi ngước mắt lên, con người bị những tòa nhà cao ngất ngưởng che khuất, không nhìn thấy cánh chim, bầu trời? Và sẽ lạc lõng biết bao nhiêu, khi con người phá bỏ hết cái cũ, sinh ra cái mới và nhồi nhét tất cả những phương tiện, máy móc hiện đại vào đời sống của mình, đến nỗi để có một giờ hít thở khí trời một cách thật sự cũng không có.
Chúng ta vẫn có những bàn tay hủy diệt. Chúng ta cũng có những bàn tay yêu thương, vuốt ve, gìn giữ. Chúng ta có những con người đang chống lại sự biến mất của cổ kính, họ đang nhiệt tình chiến đấu để bảo vệ niềm đam mê và khát vọng của mình. Như thế, để thêm một khẳng định rằng, cái cổ kính là hiện diện rõ nét của tầng sâu văn hóa dân tộc, là những giá trị vô bờ bến mà chúng ta cần cấp thiết bảo vệ.
Để giữ được một nếp nhà cổ, chúng ta phải có những người dám hy sinh lợi ích riêng. Để một bức tường rêu đứng hiên ngang thi gan cùng thời gian thì phải có người quyết tâm giữ gìn. Trước cuộc sống xô bồ này, chúng ta cũng chứng kiến sự xuất hiện của những trọc phú với sự phô trương trong cách chơi, là bỏ tiền tỷ để mua lấy các món đồ cũ kỹ, dựng lên những hòn non bộ vĩ đại hay những ngôi vườn có vẻ cầu kỳ, cổ kính. Họ không vì mục đích gìn giữ văn hóa mà hoàn toàn là để khoe tiền, thể hiện đẳng cấp và chính là thói hợm hĩnh hết thuốc chữa. Lớp người này chính là những kẻ khoét cho vết thương văn hóa thêm sâu hoắm, khiến nó càng tấy nhức.
Thói đời, được cái này thì phải mất cái kia. Cái cũ mất đi cái mới ra đời là một quy luật ngàn đời. Nhưng sự mất đi của những nếp văn hóa một cách phũ phàng khiến người ta không khỏi xót xa. Đứng trước một di tích, kiến trúc đẹp, cổ kính người ta sẽ hết lời ca tụng. Trước một con ngõ tường gạch cổ lỗ chỗ vết thời gian cũng khiến người ta xúc động hoài niệm. Hay trước một mái ngói xô nghiêng thâm trầm cũng khiến người ta bớt đi sự xô bồ. Mà giữ được những điều đó, con người chúng ta phải trả cái giá thật đắt!
Sẽ có những lúc con người phải bỏ cả núi tiền cũng không cứu vãn được, không lấy lại được những gì đã mất. Hay một ngày nào đó, con người sẽ ân hận về sự phũ phàng, ích kỷ của mình khi đối xử thô bạo với di tích. Kìa mùa xuân đang non bấy, mưa xuân lất phất bay, khắp nơi rộn ràng hội hè đình đám. Đây cũng là mùa rêu xanh. Tôi đã thấy những đám rêu đang âm thầm lan nhanh trên những bức tường cổ ở một ngôi làng ngoại thành Hà Nội. Ước gì chúng có điều kiện để cống hiến cái mộc mạc của đời nó cho con người.
(Theo vietnamnet.vn)